Nhân trần tên khoa học Adenosma glutinosum (L.) Druce) thuộc họ hoa mõm chó (Scrophulariaceae), tên khác là chè nội, chè cát, hoắc hương núi, tuyến hương, mao xạ hương. Từ lâu, cả cây nhân trần được dùng làm thuốc với nhiều công dụng tốt. Dược liệu có vị đắng, the, mùi thơm, tính mát, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, thông tiểu tiện, làm ra mồ hôi.
Tuệ Tĩnh đã dùng nhân trần 30g phối hợp với dành dành 24 quả, thạch cao 4 - 6g nung, sắc uống để chữa hoàng đản (vàng da).
Chữa kém ăn, đầy bụng, khó tiêu: nhân trần 12g, kim tiền thảo 10g, cam thảo nam 10g. Các vị dùng cả cây trừ rễ, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày sau bữa ăn. Hoặc nhân trần 20g, ké hoa vàng 20g, thân và rễ mộc thông 10g, rễ móc diều 10g, sao vàng, sắc uống (phụ nữ có thai không được dùng).
Dùng cho phụ nữ sau sinh: nhân trần 8g sắc với mần tưới 20g, mạch môn 20g, ngải cứu 10g, rẻ quạt 4g, vỏ bưởi đầu khô 4g, tất cả cho vào sắc uống ngày 1 tháng.
Để điều hòa kinh nguyệt: Nhân trần 12g, ích mẫu 12g, lá đuôi lươn 10g, bạch đồng nữ 10g, rễ gắm 8g, nghệ đen 6g. Sắc hoặc nấu thành cao lỏng, uống trong ngày.
Trị hen suyễn: Nhân dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long dùng nhân trần phối hợp với hoa cúc vạn thọ, rau cần, củ tầm sét, thài lài tía, rễ bạch đồng nữ và tinh tre mỡ, mỗi thứ 10g, sắc uống.
Nhân trần khô.
Đặc biệt nhân trần có tác dụng chữa viêm gan do virut:
- Nhân trần 16g, lá vọng cách 16g, lá cối xay 12g, sắc uống.
- Nhân trần 16g, quả dành dành 12g, nghệ vàng 8g, sắc uống.
- Nhân trần 3g, vỏ núc nác 3g, nghệ vàng 3g, rau má 4g, sài hồ nam 2g, dành dành 2g, nhọ nồi 2g, hậu phác nam 2g. Nhân trần, vỏ núc nác, sài hồ, nhọ nồi, rau má nấu thành cao lỏng. Các dược liệu khác phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn. Trộn cao với bột làm thành viên. Ngày uống 10g chia làm 2 lần.
- Nhân trần và vỏ quả bưởi (bỏ phần cùi trắng) lượng bằng nhau, thái nhỏ, phơi khô, tán bột. Mỗi lần uống 6g, ngày 3 lần.