Bệnh gan nhiễm mỡ nguy cơ dẫn đến xơ gan
Bệnh gan nhiễm mỡ thường gặp ở người bị bệnh nhiễm khuẩn mạn tính như viêm loét đại tràng, lao..., có thể tiến triển thành xơ gan. Nguyên nhân quan trọng nhất gây bệnh này là uống quá nhiều rượu.
Gan nhiễm mỡ còn gọi là gan thoái hóa mỡ, xuất hiện do hàm lượng mỡ trung tính (triglycerid) trong luồng máu và bạch mạch về gan tăng cao, tăng tổng hợp mỡ hoặc giảm tiêu mỡ ở gan.
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh là thể trạng bệnh nhân, điều kiện địa lý và điều kiện dinh dưỡng của cộng đồng, cụ thể là:
- Nghiện rượu kéo dài: Là nguyên nhân quan trọng nhất gây gan nhiễm mỡ. Mức độ nặng của bệnh phụ thuộc vào sự kéo dài tình trạng có nồng độ rượu cao trong máu.
- Thiếu protein, đặc biệt ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh.
- Bệnh tiểu đường ở người cao tuổi (nhất là người béo phì) không được điều trị.
- Có bệnh nhiễm khuẩn mạn tính như viêm loét đại tràng, viêm tụy mạn, suy gan mạn, lao.
- Nhiễm các độc chất đối với gan như phosphore, carbon tetraclorua; dùng thuốc corticoid liều cao hoặc methotrexat.
- Bệnh thiếu máu.
Sự nhiễm mỡ là giai đoạn đầu trong phần lớn trường hợp xơ gan teo. Bệnh có thể giữ nguyên trong nhiều năm hoặc đột nhiên tiến triển thành xơ gan.
Dấu hiệu lâm sàng phụ thuộc vào mức độ và thời gian nhiễm mỡ. Các bệnh nhân tiểu đường và béo phì không có triệu chứng rõ rệt, trừ việc gan to và hơi tức vùng này, chức năng gan bình thường hoặc tăng nhẹ men gan. Gan nhiễm mỡ cấp do ăn uống quá tải hay gây đau tức vùng gan, lượng mỡ máu cao. Những người nghiện rượu có thể bị gan nhiễm mỡ cấp sau một bữa rượu lớn, thường đau vùng thượng vị phải, cùng với các dấu hiệu tắc mật.
Về điều trị, trước hết phải loại trừ nguyên nhân và chữa triệu chứng, cụ thể là nghỉ ngơi, cai rượu (có thể sau 4-8 tuần bỏ rượu, bệnh sẽ giảm dần). Cần ăn đủ lượng protid, glucid; tăng cường các vitamin A, D, phức hợp vitamin B. Kiêng các thức ăn có mỡ, đặc biệt là chất cholesterol, có nhiều trong lòng đỏ trứng, mỡ động vật, các phủ tạng, bơ... Ngoài ra, bệnh nhân phải sử dụng thuốc bổ gan, bổ sung chất đạm theo chỉ định của bác sĩ.